Một trong những thay đổi lớn nhất trong thực hành lâm sàng của tác giả là thay đổi từ việc sử dụng các phục hình gắn xi măng sang sử dụng các phục hình bắt vít. Theo kinh nghiệm của ông, nó làm giảm các biến chứng sinh học lên đến 80% và không làm tăng các lỗi kỹ thuật. Việc chuyển đổi sang bắt vít chủ yếu dựa trên kết quả của bốn nghiên cứu lớn mà ông đã thực hiện cùng với các đồng nghiệp của mình.
Tóm lại, các nghiên cứu in vitro và lâm sàng cho thấy rằng không thể loại bỏ hoàn toàn tất cả xi măng dư nếu ĐHT dưới nướu, và viền gắn xi măng càng sâu thì càng có nhiều xi măng còn sót. Phân tích hồi cứu chứng minh rằng xi măng dư là một yếu tố nguy cơ bổ sung cho viêm quanh implant mãn tính. Cuối cùng, bất kỳ undercut nào của abutment đều có nguy cơ gây ra lỗi khi gắn xi măng. Đương nhiên, giải pháp là bắt đầu sử dụng phục hình bắt vít.
1. Ưu và nhược của lưu giữ bằng vít
Trước đây, phục hình bắt vít là phương pháp được lựa chọn do dễ dàng tháo cấu trúc bên trên để vệ sinh, siết chặt vít và sửa chữa. Tuy nhiên, ưu điểm lớn nhất là phục hình bắt vít là giúp các mô quanh implant khỏe mạnh hơn. Do đó, hai lý do chính để lựa chọn phục hình bắt vít là lợi thế sinh học do ít viêm nhiễm hơn trong khe nướu quanh implant và có thể lấy ra được.
Weber và cộng sự đã báo cáo rằng các mô mềm tiếp giáp với mão răng implant bắt vít khỏe mạnh hơn so với các mô xung quanh phục hình gắn xi măng. Đặc biệt, các phục hình nhiều đơn vị có thể gặp phải tình trạng không thể loại bỏ xi măng dư thừa, như đã nêu bởi Sailer và cộng sự – đã quan sát thấy tình trạng mất xương nhiều hơn ở phục hình nhiều đơn vị được gắn xi măng.
Khả năng có thể lấy ra được coi là một trong những ưu điểm lớn nhất của phục hình bắt vít. Có thể thực hiện điều chỉnh các thành phần phục hình, gắn lại các vít và sửa chữa các thành phần bị gãy mà không gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho phục hình hoặc implant, giúp giảm thời gian và chi phí điều trị so với phục hình gắn xi măng. Rõ ràng là một trong những nhược điểm lớn nhất của phục hình gắn xi măng là khó lấy ra. Khi abutment bị lỏng hoặc cần sửa chữa phục hồi, phục hồi có thể bị loại bỏ nếu không thể phá vỡ lớp xi măng. Bất kỳ lực nào tác dụng vào phục hình trên abutment bị lỏng đều có khả năng làm hỏng các ren bên trong của implant. Do đó, việc gắn vít thậm chí còn trở nên thuận lợi hơn trong những trường hợp phức tạp mà phục hình cần được bảo dưỡng nhiều hơn, chẳng hạn như phục hình vói và phục hình implant toàn hàm. Một lợi thế khác của các phục hình bắt vít là chúng có xu hướng có độ khít sát biên hơn so với gắn xi măng. Có một số lo ngại rằng không gian giữa nền titan và phần phục hồi có nguy cơ vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến sự hòa tan xi măng và viêm niêm mạc quanh implant. Tuy nhiên, không có dữ liệu để hỗ trợ mối quan ngại này.
Một trong những nhược điểm phổ biến nhất của phục hình bắt vít thuần túy là thiếu sự khít sát thụ động. Phục hình thuần túy được giữ lại bằng vít có nghĩa là mão răng là một khối đơn lẻ không có abutment – phục hình được gắn trực tiếp vào implant bằng vít. Các phục hình bằng xi măng thường được coi là khít sát thụ động hơn so với các phục hình được giữ lại bằng vít vì xi măng là phương tiện bù đắp cho sự sai lệch và hấp thụ lực biến dạng tạo ra bởi bất kỳ sự không khớp nào giữa abutment và trụ implant. Về cơ bản, xi măng giúp hài hòa mối quan hệ giữa xương, implant, abutment và phục hình. Mặt khác, với các phục hình bắt vít, abutment, trụ implant và xương xung quanh có thể tiếp xúc với ứng suất có hại trừ khi các phục hình được sản xuất chính xác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cuối cùng sự khít sát của phục hình không phụ thuộc vào kiểu lưu giữ mà là độ chính xác đạt được trong quá trình chế tạo, bao gồm kỹ thuật lấy dấu, độ chính xác của vật đúc chính, dung sai thành phần và kỹ năng của kỹ thuật viên; hơn nữa, các thành tựu kỹ thuật trong sản xuất các thành phần implant và phục hình hiện nay cho phép lắp ghép thụ động chính xác các bộ phận của phục hình bắt vít.
Mục đích của chương này không phải để thuyết phục các chuyên gia implant và bác sĩ phục hình sử dụng phương pháp này hơn phương pháp kia mà là trình bày kiến thức và kinh nghiệm. Trong phòng khám của tác giả, hai loại phục hình bắt vít được sử dụng: phục hình bằng xi măng / vít và phục hình bắt vít thuần túy. Chương này tập trung vào phục hồi xi măng / vít.
2. Phục hình lai
Sử dụng mão xi măng / vít là một kỹ thuật thường được gọi là phục hình lai vì nó kết hợp các tính năng của cả phục hình gắn xi măng và bắt vít. Khái niệm này đề cập đến một phục hình đã hoàn thành được gắn với đế bằng titan (ti-base) trên mẫu hàm và sau đó bắt vít trong miệng (Hình 13-1). Cách tiếp cận này đảm bảo sự khít sát thụ động của phục hình vì có một lớp xi măng giữa mão và abutment. Đồng thời, lỗ tiếp cận để kết nối với implant mang lại khả năng có thể lấy phục hình ra. Kỹ thuật này rất tiết kiệm chi phí và có thể được sử dụng cho các mão đơn lẻ cũng như cho các phục hình cố định bán phần nhịp ngắn.
Ý tưởng về một phục hình gắn xi măng và bắt vít kết hợp đã có từ lâu, và vào năm 2004 Rajan và Gunaseelan đã đề xuất một kỹ thuật tương tự như được mô tả ở đây, sử dụng abutment stock và phục hình bằng sứ kim loại với lỗ tiếp cận, nhưng quá trình gắn xi măng được thực hiện trong miệng. Sau đó, phức hợp mão – abutment được lấy ra, làm sạch xi măng dư và phục hình được gắn lại trong miệng.
Phương pháp này đã trở thành một tiêu chuẩn cực kỳ phổ biến trong implant. Điều quan trọng là phải hiểu rằng mặc dù phục hình được giữ bằng vít trong miệng, nhưng về mặt cơ học sinh học, nó hoạt động giống như một phục hình gắn xi măng vì chất nền giữ ti-base và phục hình cùng nhau là xi măng nha khoa. Đây là sự khác biệt chính giữa phục hình gắn xi măng / vít và bắt vít. Trong PH bắt vít, phục hình là một phần duy nhất: Vật liệu veneering được đặt trực tiếp trên khung và chỉ có vít chịu trách nhiệm giữ (Hình 13-2).
Các phục hình gắn xi măng / vít có thể được phân loại thêm thành hai loại: phục hình đơn lẻ và phục hình bán phần cố định (Hình 13-3). Những loại này nên được thảo luận riêng biệt vì cơ sinh học là khác nhau; chương này tập trung vào phục hình đơn lẻ. Mão đơn thường dễ chế tạo hơn; lấy dấu chính xác hơn và không bị căng bên trong phục hình. Phục hình bán phần cố định có độ căng nhiều hơn nên khó lấy dấu hơn. Có những khác biệt khác giữa hai điều này, nhưng chúng nằm ngoài phạm vi thảo luận của chương này.
3. Chế tác phục hình lai
Phòng khám của tác giả đã bắt đầu sử dụng kỹ thuật này cách đây hơn một thập kỷ, sử dụng abutment stock titan làm đế titan (titanium base – Ti-base). Vào thời điểm đó, điều này là hiệu quả vì lượng xi măng dư có thể được giảm bớt trong khi vẫn sử dụng các abutment tiêu chuẩn (Hình 13-4). Ngày nay, các công ty implant đã sản xuất nhiều loại đế bằng titan được thiết kế đặc biệt với các bộ phận lưu giữ và phần xuyên nướu khác nhau. Các ti-base này được thiết kế cho mão zirconia, chúng thường ngắn hơn một chút và ở phần thân răng nhất có một “cửa sổ” không có kim loại, được thiết kế để giảm khả năng nhìn thấy kim loại qua mặt ngoài của phục hồi bằng zirconia. Tuy nhiên, nếu implant được đặt sâu, phần đế sẽ chìm dưới các mô và điều này trở nên ít quan trọng hơn.
Các bước sau được thực hiện để chế tác một phục hình gắn xi măng/ vít (Hình 13-5):
1. Lấy dấu khay mở để chuyển thông tin sang dấu
2. Wax-up răng (xem Hình 13-5a)
3. Tỉa mẫu (xem Hình 13-5c và 13-5d)
4. Wax khuôn (xem Hình 13-5g và 13-5j)
5. Scan wax-up (xem Hình 13-5k)
6. Tiện zirconia khít với ti-base (xem Hình 13-5l và 13-5m)
7. Thêm sứ veneer (xem Hình 13-5n)
8. Hoàn thành phục hồi (xem Hình 13-5o và 13-5p)
Một lưu ý quan trọng khi chế tạo các phục hình đơn lẻ là thiết kế phải bắt chước hình thái của răng tự nhiên ở mức độ cao nhất có thể (Hình 13-6).
Trong tình huống lâm sàng được thể hiện trong Hình 13-7, hai implant BioHorizons Tapered được đặt ở vị trí răng cối lớn thứ nhất và thứ hai bên trái. Các mô mềm quanh implant đã được điều chỉnh bằng các phục hình tạm gắn vít để chuẩn bị cho phục hình sau cùng. Các đế titan được lựa chọn để nâng đỡ phục hình bằng sứ zirconia. Đầu tiên, một bản sao bằng sáp của sườn zirconia trong tương lai được tạo ra bởi kỹ thuật viên, được quét và tiện từ zirconia. Sườn sau đó được dán tạm vào ti-base và kiểm tra độ chính xác trong miệng. Khi đã chính xác, sứ veneering được thêm vào và phục hình hoàn thành.
3.1. Gắn xi măng
Bước cuối cùng trong quá trình chế tác phục hình gắn xi măng / vít là gắn xi măng mão vào ti-base (Hình 13-8a và 13-8b). Điều kiện tiên quyết để duy trì đủ độ lưu của zirconia là đạt được sự liên kết đáng tin cậy giữa zirconia, xi măng và ti-base. Thông thường, ti-base được sản xuất cao khoảng 4 đến 6 mm, nhưng một số nhà sản xuất cung cấp ti-base chỉ cao 3,5 mm, nó có thể không đủ lưu (Hình 13-8c). Điều này đặc biệt đúng trong các tình huống tăng khoảng phục hình, dẫn đến tỷ lệ chiều cao thân răng lớn hơn sẽ không được ti-base nâng đỡ, tạo ra khả năng bị rã xi măng cao hơn nhiều giữa phần ti-base và sườn zirconia.
Các yếu tố quan trọng để lưu giữ các phục hình gắn xi măng bao gồm loại xi măng, khoảng trống dán, hình dạng, chiều cao, diện tích bề mặt và độ nhám của abutment. Một số bài báo đã xem xét ảnh hưởng của loại xi măng đối với việc lưu giữ phục hình trên implant, nhưng những nghiên cứu này bao gồm cả sườn kim loại, vì vậy kết quả không ứng dụng sang phục hình sườn zirconia được.
Do đặc thù chế tạo, các phục hình bằng zirconia được tiện bằng máy tính thường có độ giữ cơ học không đáng kể, cho thấy nhu cầu về xi măng chắc hơn và độ lưu giữ cao hơn. Lực giữ của mão zirconia trên abutment titan đã được nghiên cứu, và rất nhiều người chú ý đến thành phần của xi măng nhựa tự dán. Người ta đã chứng minh rằng việc dùng monome methacryloyloxydecyl-dihydrogenphosphate (MDP) có chứa nhựa có thể làm tăng khả năng giữ lại các phục hình zirconia; tuy nhiên, không có kiến thức đầy đủ liên quan đến việc lưu giữ sườn zirconia được đặt trên các ti-base. Không kể đến chiều cao và hình dạng abutment, độ bền liên kết giữa chất dán và bề mặt liên kết được xác định bởi độ bền của các liên kết hóa học, liên kết cơ học và độ nhám bề mặt.
3.2. Mài mòn bằng khí có chứa hạt – Airborne-particle abrasion
Câu hỏi có thể đặt ra là liệu các ti-base có nên được mài mòn bằng khí trước khi gắn xi măng hay không. Sự mài mòn bằng khí có chứa hạt đối với các ti-base nhằm tăng cường độ liên kết thông qua liên kết vi cơ. Các hạt nhôm oxit (Al2O3) được sử dụng phổ biến nhất. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy các kết quả khác nhau liên quan đến độ bền liên kết, trong đó nhiều nghiên cứu báo cáo việc giảm khả năng lưu giữ.
Khi một vật liệu bị mài mòn bởi các khí có chứa hạt, nó sẽ bị ảnh hưởng bởi các kích thước hạt khác nhau. Nói chung, mài mòn hạt trong không khí làm tăng diện tích bề mặt và tạo ra độ nhám bề mặt cao hơn (Hình 13-9). Xi măng có thể liên kết tối ưu với bề mặt lớn hơn, dẫn đến khả năng lưu giữ cơ học của phục hồi tốt hơn.
Các kết quả khác nhau về ảnh hưởng của mài mòn bởi khí có chứa hạt đã được báo cáo. Một số nghiên cứu đã báo cáo rằng các lớp phủ titan bị mài mòn thô cung cấp khả năng lưu giữ vi cơ tốt hơn so với bề mặt abutment titan được gia công nhẵn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy điều ngược lại, chẳng hạn như Nejatidanesh và cộng sự, người đã kết luận rằng mài mòn hạt trong không khí không cải thiện việc lưu giữ các sườn hợp kim kim loại cơ bản trên abutment titan.
Do đó, một nghiên cứu in vitro đã được thiết kế và thực hiện để giải quyết tranh luận. Thí nghiệm được thực hiện trong hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, 30 analog implant có đường kính 4 mm (Internal Tapered, BioHorizons) đã được nhúng thẳng trong các khối kim loại. Ti-base phục hình với chiều cao 5 mm (BioHorizons) được đặt trong mỗi analog implant và được vặn lực 35 Ncm (Hình 13-10). Sườn Zirconia (Lava Classic, 3M) đã được thiết kế và gia công. Sườn được thiêu kết ở 1.500 ° C trong 8,5 giờ. Sườn đã được kiểm tra độ chính xác bằng cách sử dụng silicone disclosing medium (Fit Checker, GC) và được gắn trên các abutment. Độ chính xác biên được kiểm tra dưới độ phóng đại 3,2 × (EyeMag Pro, Zeiss). Bề mặt liên kết của tất cả các sườn được làm sạch bằng cồn isopropyl 96%. Tất cả các mẫu có khoảng gắn xi măng 30 µm được liên kết với ti-base bằng ba loại xi măng khác nhau: G-CEM LinkAce (GC), RelyX U200 (3M) và Ceka Site (Ceka / Preci-Line), theo khuyến nghị của nhà sản xuất.
Sau khi bảo quản implant analog – abutment – sườn trong dung dịch muối sinh lý ở 37 ° C trong 24 giờ, tất cả các mẫu (ba nhóm, mỗi nhóm 10 mẫu) được quay nhiệt từ 5 ° C đến 55 ° C 5.000 lần trong một chewing simulator (SD Mechatronik) với thời gian dừng 30 giây. Lực kéo được đo bằng máy kiểm tra đa năng (ZwickRoell) ở tốc độ 5 mm / phút. Các sườn được lấy ra, và lực lấy ra được ghi lại ở Newtons. Trong giai đoạn thứ hai, xi măng được làm sạch bằng hơi nước khỏi các ti-base và sườn zirconia. Các ti-base được mài bằng hạt trong khí bằng oxit nhôm 50 µm (Eisenbacher Dentalwaren) ở áp suất 2 bar vuông góc với mỗi bề mặt từ khoảng cách 10 mm trong 10 giây, và trình tự của giai đoạn đầu tiên của thí nghiệm được lặp lại. Giá trị lưu lại trung bình và độ lệch chuẩn trước và sau khi mài mòn hạt của ti-base được trình bày trong Bảng 13-1. Một thử nghiệm phân tích cho thấy độ bền của liên kết có thể khác biệt đáng kể về mặt thống kê tùy theo loại xi măng trước (F = 105,59, P <0,05) và sau khi mài mòn (F = 35,47, P <0,05). Sau khi hạt bị mài mòn, sự lưu giữ giảm ở tất cả các nhóm, nhưng thứ hạng về độ bền của xi măng vẫn giữ nguyên. Sau khi mài mòn hạt, sự khác biệt giữa tất cả các loại xi măng vẫn có ý nghĩa thống kê (P <0,05).
Trong giới hạn của nghiên cứu in vitro này, các kết luận sau đã được rút ra:
• Nhãn hiệu của xi măng resin ảnh hưởng đáng kể đến việc lưu giữ sườn zirconia với các ti-base trơn và bị mài mòn.
• Sự mài mòn hạt khí đối với các ti-base làm giảm độ bền lưu giữ của sườn zirconia.
Papadopoulos và cộng sự đã báo cáo sự hiện diện của alumin lỏng lẻo trên bề mặt sứ – titan, nguyên nhân chủ yếu là do mài mòn hạt khí. Phân tích cấu trúc vi mô và độ nhám của bề mặt cho thấy các hạt alumin được nhúng vào lớp bề mặt của titan bất kể kích thước hạt alumin khác nhau. Việc sử dụng alumin hạt lớn có vẻ có lợi trong việc giảm lượng alumin còn lại trên bề mặt titan, đồng thời làm tăng độ nhám bề mặt. Papadopoulos và cộng sự cho biết thêm rằng các hạt alumin lỏng lẻo vẫn còn trên lớp bề mặt của kim loại, làm suy yếu độ bền liên kết giữa titan và sứ, và không thể bị loại bỏ ngay cả khi làm sạch bằng siêu âm. Một lý do khác có thể làm giảm độ bền liên kết có thể là sự thay đổi vi hình học của ti-base và khe hở để gắn xi măng. Sau khi mài mòn, các rãnh lưu trên nền titan có thể bị mờ đi và không gian gắn xi măng giảm, do đó có thể làm giảm lực cần thiết để gây bong.
3.3. Gắn xi măng theo concept Zero bone loss
Dựa trên thử nghiệm được mô tả trước đây, nhóm tác giả đã phát triển quy trình sau đây để gắn xi măng phục hồi zirconia (Hình 13-11):
1. Bề mặt bên trong của phục hồi hoàn toàn được làm sạch bằng cồn (xem Hình 13-11c).
2. Phần ti-base nhẵn được làm sạch bằng cồn và kết nối với mẫu hàm. Không cần mài mòn bằng khí có chứa hạt hoặc bất kỳ thay đổi nào khác trên bề mặt.
3. Phần nướu nhân tạo được lấy ra khỏi mẫu hàm để kiểm tra sự khít sát phục hồi trong quá trình gắn xi măng (xem Hình 13-11a).
4. Lỗ mở của vít được cách ly bằng sáp để ngăn xi măng tiếp cận với vít ti-base (xem Hình 13-11b).
5. Xi măng tự dán được phủ lên bề mặt trong của phục hồi (xem Hình 13-11d).
6. Phần phục hồi được ép trên ti-base, kiểm tra vị trí và xi măng được polyme hóa, theo hướng dẫn của nhà sản xuất (xem Hình 13-11e và 13-11f).
7. Xi măng đã polyme hóa được lấy ra khỏi lỗ tiếp cận, và vít abutment được nới lỏng (xem Hình 13-11g).
8. Phục hồi được lấy ra khỏi mẫu hàm.
9. Xi măng thừa được làm sạch (xem Hình 13-11h).
10. Viền xi măng được hoàn thiện và đánh bóng.
Khuyến nghị sử dụng xi măng nhựa có giá trị lưu giữ cao nhất trong các trường hợp như thể hiện trong Hình 13-12, nơi có khoảng phục hình lớn dẫn đến tăng lực chức năng.
4. Điều chỉnh mô mềm
Phục hình gắn xi măng / vít có thể được chế tạo theo hai cách đối với các mô quanh implant: có hoặc không có phục hình tạm để hướng dẫn mô (Hình 13-13).
Với phục hình tạm
Điều chỉnh các mô quanh implant là một quy trình tiêu chuẩn trước khi phục hình sau cùng. Quy trình này thường được sử dụng ở răng trước để hình thành gai nướu và đường viền và chuẩn bị mô để gắn phục hình sau cùng. Cách tiếp cận này sử dụng phục hồi tạm, có thể được sử dụng với các phục hình gắn bằng xi măng / vít (Hình 13-14).
Sau khi lấy dấu mở hoặc đóng, phục hình tạm được chế tạo và chuyển đến implant. Việc ép các mô cho thấy có áp lực lên các mô quanh implant, các mô này sẽ được tạo hình theo dạng của phục hình tạm. Sau khi các mô được điều chỉnh, việc lấy dấu được lặp lại, và phục hình sau cùng được chế tạo. Ưu điểm của phương pháp này bao gồm ít áp lực hơn lên các mô quanh implant trong phục hình sau cùng và tỷ lệ phục hồi trong tương lai chính xác hơn, với sự phân biệt giữa vùng dưới và vùng trên nướu.
Liên quan đến ưu điểm đầu tiên, trong một số trường hợp, các vít abutment của các phục hình đơn lẻ có xu hướng bị lỏng ra nếu không sử dụng phục hình tạm. Điều này là do các mô nướu chưa được điều chỉnh có lực cản đáng kể, và khi mão răng được đặt, lực căng này có thể gây ra lỏng vít.
Ưu điểm thứ hai đặc biệt phù hợp với các bác sĩ lâm sàng mới sử dụng kỹ thuật này bởi vì phục hình tạm tạo thành emergence profile của thân răng implant, giúp dễ dàng phân biệt ranh giới giữa phần dưới và phần trên nướu của phục hình. Đây là một vấn đề quan trọng và được đề cập chi tiết trong các chương về vật liệu phục hồi, nhưng nhìn chung các vật liệu khác nhau có thể tiếp xúc với các mô quanh implant và nhờ đường phân biệt này, cho phép chế tạo mão dễ hơn: Kỹ thuật viên có thể thấy nơi kết thúc phần dưới nướu của phục hình (ví dụ: zirconia) và nơi bắt đầu phần viền trên (ví dụ: nướng bóng) (Hình 13-15).
Một nhược điểm của việc sử dụng các phục hình tạm là thiếu tính tương thích sinh học, ngay cả khi nó chỉ trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, việc sử dụng phục hồi tạm là một gánh nặng tài chính bổ sung cho bệnh nhân và tiêu tốn thời gian của bác sĩ.
Không có phục hình tạm
Trong tình huống này, các phục hình sau cùng duy nhất được thực hiện mà không cần phục hình tạm. Các mô tiếp xúc ngay lập tức với vật liệu phục hình như zirconia, titan hoặc sứ, thân thiện với mô hơn nhiều so với vật liệu phục hình tạm. Trong một số tình huống nhất định, có thể mong đợi sự phát triển của các mô mềm xung quanh các phục hình bắt vít.
Ban đầu có thể thấy các mô bị trắng, nhưng sau đó chúng thích nghi và tuân theo hình dạng của phần dưới nướu của phục hình (Hình 13-16).
Take-Home Messages
Các phục hình được gắn bằng xi măng / vít có đế bằng titan có thể được sử dụng để phục hình trên implant.
Về mặt cơ học, các phục hình gắn bằng xi măng / vít hoạt động giống như các phục hình bằng xi măng vì mão răng được gắn trên một abutment bằng titan.
Abutment bằng titan, có nhiều đường cắt để lưu giữ, khác với abutment titan thông thường, có bề mặt đồng đều hơn.
Không nên sử dụng mài mòn bằng khí có chứa hạt đối với ti-base vì nó làm giảm lưu giữ.
Xi măng nhựa với phân đoạn phosphate (MDP) cho thấy giá trị lưu giữ cao nhất.
Nguồn: Linkevičius, T., Puišys, A., Andrijauskas, R., & Ostrowska-Suliborska, B. (2020). Zero Bone Loss Concepts. Quintessence Publishing Co. Inc.
Trả lời